8 câu nói kinh điển của cổ nhân, mỗi ngày đọc một lần, cả đời sẽ hưởng lợi

todattn

Trải qua hàng ngàn năm, cổ nhân đã đúc kết và truyền lại nhiều câu nói kinh điển mà chúng ta mỗi ngày nên đọc một lần, như thế cả đời sẽ có lợi, thật không thể xem nhẹ…

1. Một người đối xử với cha mẹ như thế nào, con cháu sẽ trả lại như thế nấy

Một người đối đãi với cha mẹ mình như thế nào, tương lai con cái sẽ đối xử lại với họ như thế nấy. Chúng ta thường nói, gia đình là một cây đại thụ, ông bà là rễ cây, cha mẹ là cành lá, con cái là hoa trái. Chỉ có chăm bón cho gốc rễ, cành lá mới phát triển, hoa trái mới có thể đầy đủ dinh dưỡng.

Khi một người hiếu thuận với cha mẹ mình, con cái của họ cũng sẽ để ý thấy, đó chính là tấm gương tốt nhất. Con cái thông qua hành động của cha mẹ sẽ hiểu được hiếu thuận. Trong một gia đình, nếu như cha mẹ hiếu thảo với người già, như vậy con cái cũng sẽ làm thế với cha mẹ, người một nhà có thể vui vẻ hòa hợp.

2. Thiên hạ khắp nơi là của cải, một phần lao động, một phần cơm

Oán trời trách đất với người khác, không bằng quất roi thúc ngựa đi làm. Trên thế giới này, khắp nơi đều là cơ hội, mấu chốt là xem bạn có bản lĩnh hay không. Làm một phần việc, có thể ăn một phần cơm, trời cao quả thật công bằng.

Nếu như làm ba phần việc, lại ăn mười phần cơm, vậy nhất định là mưu lợi luồn cúi, người như vậy dù giàu có, trong nội tâm cũng không yên ổn. Khắp nơi đều có cơ hội, không cần phải đầu cơ trục lợi. Chỉ cần mình có bản lĩnh, không sợ không ngẩng được đầu. Hơn nữa, cũng chỉ có dựa vào việc của mình mà hưởng lợi, mới có thể làm người có lương tâm.

3. Đấu gạo dưỡng ân, gánh gạo dưỡng thù

Lương thiện phải có giới hạn, lương thiện mà không có nguyên tắc chính là mềm yếu. Một người lúc đói khổ lạnh lẽo, bạn cho anh ta một đấu gạo, chính là giải quyết giúp vấn đề lớn, anh ta sẽ vô cùng biết ơn. Nhưng mà, nếu như bạn tiếp tục cho gạo, anh ta sẽ cảm thấy đó là dĩ nhiên. Một đấu gạo không đủ, hai đấu gạo không đủ, một gánh gạo vẫn cảm thấy chỉ như đem muối bỏ biển.

Trong cuộc sống thường có chuyện như vậy, lần thứ nhất đưa ra trợ giúp, trong lòng người ta sẽ đối với bạn còn có cảm kích, lần thứ hai tâm lý biết ơn sẽ nhạt dần, đến lần thứ “n” về sau, người ta sẽ ngang nhiên cho rằng đó đều là vì bạn tình nguyện làm cho họ, thậm chí khi không có sự trợ giúp này, họ đối với bạn trong lòng còn oán hận.

Cho nên, làm người lương thiện phải có giới hạn! Khi một người không chịu cố gắng, nếu bạn nghĩ đến chuyện trợ giúp họ, hãy tiết kiệm sự lương thiện đó lại!

4. Nghề gì cũng biết, nhưng chẳng nghề nào tinh

Tục ngữ nói, tham thì thâm, tinh lực của một người có hạn, nếu bạn muốn đạt được thành tựu ở một lĩnh vực nào đó, bạn phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu, nếu như cái gì cũng muốn học, kết quả cuối cùng là chẳng học tốt được cái gì cả.

Tinh thần của người thợ thủ công cũng thể hiện đạo lý này, mỗi một việc đều làm tận tâm tận lực, đó chính là người thợ ưu tú nhất, cũng làm ra sản phẩm ưu tú nhất.

5. Đưa đò đưa sang sông, xây tháp xây đến ngọn

Làm việc gì cũng phải làm đến cùng, kiên trì chính là thắng lợi. Tục ngữ nói: “Đường dài trăm dặm, người đi quá chín mươi cũng mới chỉ là nửa chặng”. Phần lớn thất bại trên thế giới này không phải bởi vì không đủ năng lực, cũng không phải vì vận may không tốt, mà là vì không kiên trì cho đến cuối cùng.

Có một định luật nổi tiếng gọi là định luật hoa sen, ngày thứ nhất chỉ hé mở một ít, ngày thứ hai, chúng sẽ nở ra với tốc độ gấp hai lần ngày trước. Đến ngày thứ 30, đã nở đầy hồ. Bạn có biết lúc nào là hoa sen nở một nửa không?

Rất nhiều người cho rằng là ngày thứ 15, nhưng không phải như vậy! Đến ngày thứ 29, hoa sen chỉ mới nở được một nửa, đến ngày cuối cùng mới nở toàn bộ. Ngày cuối cùng dùng tốc độ nhanh nhất, bằng tổng của cả 29 ngày trước.

Mà đa số người trên thế gian, đều dừng lại ở ngày 29, thành công thấy còn xa xôi không biết khi nào tới, kỳ thực, chỉ còn thiếu một bước cuối cùng nữa mà thôi.

6. Không rơi xuống biển không biết biển sâu, không sinh con cái không hiểu lòng cha mẹ

Không rơi xuống đáy biển thì không biết biển sâu thế nào; không sinh con dưỡng cái, thì không hiểu được làm cha mẹ chẳng dễ dàng. Chừng nào chính mình gặp phải tình huống ấy, mới có thể thực sự thấu hiểu được.

Cho nên, Vương Dương Minh, nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh ở Trung Quốc có nói rõ “Tri hành hợp nhất”, tri thức đích thực là nhờ thực hành mới có được. Một người không làm cha mẹ, sẽ không bao giờ biết cha mẹ đã hy sinh bao nhiêu vì mình, sau khi trải qua quá trình nuôi dạy con cái, mới biết cha mẹ mình khổ nhọc đến thế nào. Có vậy mới cảm thấy biết ơn, hiểu được phải hiếu thảo với cha mẹ.

7. Không sợ quỷ có ba mắt, chỉ sợ người mang hai lòng

Quỷ ba mắt quả thật đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn là nhân tâm khó dò. Thành lũy đều là bị công phá từ bên trong, đối thủ dù mạnh mẽ cỡ nào, cũng không bằng mọi người đồng tâm hiệp lực, chỉ sợ nhân tâm hai lòng, bán đứng bằng hữu.

Lòng người khó dò, kết giao bạn bè nhất định phải vô cùng thận trọng. Đường xa mới biết sức ngựa,  lâu ngày mới biết được nhân tâm, tình bạn trải qua năm tháng gắn bó mới càng đáng tin.

8. Đèn thường vặn mới sáng, dao thường mài mới bén

Có câu rằng: “Chỉ cần siêng năng, thiên hạ không việc gì khó”. Chăm thắp đèn, đèn sẽ thường sáng; chăm mài dao, dao càng sắc bén.

Tăng Quốc Phiên luôn cho là: “Bất kể là ở nhà, cơ quan, hành quân, đều phải lấy siêng năng làm gốc”. Ông trời sẽ đền bù cho người cần cù, một người dù tố chất như thế nào, chỉ cần chăm chỉ, kiên trì không bỏ cuộc, tài trí dĩ nhiên sẽ tích lũy từng chút từng chút một.

Người đạt được thành tựu lớn, không hẳn phải là người thông minh, nhưng nhất định phải chăm chỉ hơn người. Không ai có thể chỉ dựa vào thiên phú mà thành công, chỉ có chăm chỉ mới có thể biến thiên phú thành thiên tài. Thành công vĩ đại và cần cù lao động có quan hệ trực tiếp, có một phần lao động thì có một phần thu hoạch.

Leave a Comment