Cha mẹ biết nhìn xa nên để con nếm trải vất vả, cho càng nhiều thì trẻ càng vô ơn bạc nghĩa

todattn

Nếu chúng ta luôn tử tế với một người bạn, chúng ta mong rằng họ hiểu được lòng tốt của mình

Nhưng rồi đến 1 lúc khi người bạn ấy cần nhờ vả, mà mình lúc đó không có khả năng và từ chối, thì điều gì sẽ xảy ra? Có mẹ nào từng ở trong hoàn cảnh đó không? Riêng em thì mất luôn bạn vì cái người em nghĩ là bạn thân ấy lại quay sang trách móc, giống như việc giúp đỡ bạn ấy là điều đương nhiên, là nghĩa vụ của em đó các mẹ. Đối với việc nuôi dạy con cũng vậy, các mẹ có thấy là cha mẹ càng cho con nhiều thì con càng vô ơn không?

Có lần em tới nhà em gái em chơi, 2 chị em đang ngồi nói chuyện thì thằng cháu em bảo mẹ đi tìm mấy miếng Lego cho nó. Em của em bảo là đang bận, con tự đi tìm đi. Thế mà nó hét lên um trời là “Nhưng mà con muốn mẹ đi tìm cho con, mẹ không giúp con thì con sẽ ghét mẹ cho mà xem”

Thằng bé chỉ mới 5 tuổi thôi đó các mẹ. Em gái em lấy chồng sớm nhưng muộn con. 8 năm sau khi kết hôn mới có được 1 mụn con. Từ lúc biết có bầu là nó xin nghỉ việc ở nhà để dưỡng thai. Đẻ con ra là một tay nó chăm sóc từ A tới Z, đến giờ thằng bé lớn rồi mà nó còn chưa dám đi làm trở lại. Nó hết lòng yêu thương con cái, thậm chí còn hơn cả yêu chính bản thân mình, kết quả là đứa trẻ coi mọi việc mẹ làm là đương nhiên, không hề biết ơn.

Cha mẹ nuôi dạy con cái không mong báo đáp, chỉ mong con sau này lớn lên sẽ tự chủ, có thể hiểu được cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi gặp phải ánh mắt thiếu kiên nhẫn hoặc thất vọng, khó chịu của trẻ cũng khiến bậc làm cha làm mẹ phiền lòng. Đặc biệt khi con xem những điều cha mẹ làm cho chúng là điều đương nhiên, không được đáp ứng thì giãy nãy. Liệu có phải càng cho con nhiều thì con càng vô ơn, tại sao cao không biết ơn những điều cha mẹ làm cho mình? Lòng biết ơn cũng cần có động lực, nếu coi tất cả những gì làm cho con là đương nhiên, trẻ sẽ nghĩ rằng đó là bổn phận của cha mẹ. Mẹ nấu cơm, giúp con dọn dẹp đồ chơi, lau phòng con mỗi ngày…, sao lại phải biết ơn?

Ngay từ khi đứa trẻ được sinh ra, chỉ cần nó khóc, mẹ lập tức hỏi: “Sao? Con đói không? Chỗ nào khó chịu?” . Bản chất của tình mẫu tử cũng khiến chúng ta sẵn sàng liên tục nén thời gian của bản thân, ăn nhanh, ngủ sau khi con đã ngủ và dành gần như toàn bộ thời gian, sức lực cho con cái. Lâu nay khi chúng ta lấy trẻ làm trung tâm, trẻ tự nhiên nghĩ rằng ở nhà mình là quan trọng nhất và mọi người phải phục vụ mình.

Tại sao chúng ta đều biết ơn công sức của người xa lạ, mà lại bỏ qua những gì cha mẹ làm? Hãy lưu ý những điều sau khi chăm sóc và nuôi dạy con cái:

1. Đừng làm thay con quá nhiều

Hãy để con trải nghiệm nhiều hơn, nếu cha mẹ không làm được điều gì đó cho con thì hãy để con làm những việc tự mình làm được: vệ sinh cá nhân, làm bài tập, chuẩn bị bát đĩa ăn cơm, dọn dẹp đồ chơi…

2. Hãy để bọn trẻ gánh vác một số trách nhiệm trong gia đình

Chẳng hạn như làm một số việc nhà trong khả năng của mình như quét nhà, rửa bát, … Đứa trẻ chỉ ngồi tận hưởng sẽ không bao giờ biết được rằng nhà không tự nhiên sạch sẽ, phòng ốc không tự nhiên gọn gàng, gạo không tự nhiên thành cơm nóng..

3. Nhờ trẻ giúp đỡ vài thứ

Trẻ em cần cha mẹ chủ động cung cấp một số cơ hội để trải nghiệm. Chúng có thể cảm nhận được khó khăn và vất vả của mình từ những công việc hàng ngày do cha mẹ thực hiện. Trẻ cũng sẽ xác định giá trị của bản thân thông qua cảm giác được cần đến này và sau đó sẵn sàng cho đi hơn là lúc nào cũng muốn nhận lại.

4. Giải thích về lợi ích của một điều gì đó mà cha mẹ cấm con làm

Đừng chỉ ra lệnh với con rằng con không được xem ti vi hay ăn vặt. Trẻ sẽ oán ghét vì không hiểu lý do. Hãy giải thích để con hiểu lợi ích của việc này. Nếu con thường xuyên xem ti vi sẽ bị cận thị, sau này muốn chơi thể thao không được, ra đường gặp trời mưa thật bất tiện. Con hay ăn vặt thì sau này dễ béo phì, không dễ gì tìm được đồ vừa size…

Một cuộc khảo sát cho thấy rằng trẻ em từ các gia đình nghèo có lòng biết ơn đối với cha mẹ nhiều hơn so với trẻ em từ các gia đình khá giả. Nó bắt nguồn từ lý thuyết này: việc người thụ hưởng sẽ biết ơn hay không phụ thuộc vào số tiền anh ta nghĩ rằng người hưởng lợi đã trả.

Nhìn mẹ vò quần áo dưới cái nắng như thiêu như đốt, đứa con sẽ thấy mẹ mệt quá, nên để con giúp.

Nhìn thấy bố mồ hôi nhễ nhại gánh hàng, đứa con sẽ cảm thấy bố kiếm tiền rất vất vả, cố gắng không tiêu tiền bừa bãi.

Nhưng đối với bọn trẻ cho rằng quần áo giặt bằng máy, nhà cửa đã có robot hút bụi, muốn kiếm tiền chỉ cần ngồi gõ bàn phím… thì sẽ không bao giờ nghĩ rằng nên biết ơn cha mẹ. Vì vậy, đừng giấu giếm sự vất vả của mình, hãy “bán than” khi có dịp. Chỉ khi con cái nhìn thấy sự vất vả của cha mẹ, chúng mới hiểu được cái giá mà cha mẹ đã phải trả, và biết ơn nhiều hơn. Cha mẹ càng cho con nhiều chỉ khiến trẻ mặc định đó là bổn phận của cha mẹ, không cần phải biết ơn.

Leave a Comment