4 lý do mẹ khôn ngoan không bao giờ ép con mình phải học thật giỏi để bằng bạn bằng bè

todattn

Updated on:

Người mẹ nào cũng mong muốn con mình phải đạt thật nhiều thành tích cao trong trường lớp. Vì thế không ít chị em ra sức bắt ép con phải học thật giỏi. Thế nhưng liệu điều này có thực sự tốt cho con?

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Irish Movido, chỉ số thông minh (IQ) chỉ đóng vai trò khoảng 20% trong sự thành công của một người và 80% còn lại phụ thuộc vào trí tuệ cảm xúc EQ. Điều này chứng tỏ sự thành công trong tương lai không hoàn toàn phụ thuộc vào điểm số thời còn đi học. Chính vì thế, việc ép buộc con phải học thật giỏi dẫn đến tình trạng tạo gánh nặng cho con trẻ là điều hoàn toàn sai lầm. Và một người mẹ khôn ngoan sẽ không bao giờ ép con phải học thật giỏi vì những lý do sau đây.

1. Dễ khiến thần kinh con bị căng thẳng

Khi bị áp đặt quá mức, trẻ rất dễ bị căng thẳng mệt mỏi, dây thần kinh cũng chịu nhiều áp lực hơn. Trẻ lúc nào cũng nghĩ đến điểm số vì lo lắng bố mẹ sẽ giận dữ rất dễ bị stress, tâm lý chịu nhiều tác động tiêu cực khiến con thường xuyên xuất hiện những biểu hiện trầm cảm như la hét, cáu giận bất thường, dễ kiệt sức hoặc mắc chứng rối loạn ăn uống. Ngoài ra, thần kinh căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị đau đầu, đau dạ dày thường xuyên, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập và phát triển về sau.

2. Trẻ sẽ trở nên sợ hãi, sống khép kín hơn

Thay vì háo hức chia sẻ cho bố mẹ những việc xảy ra ở trường, những mối quan hệ, thời gian học tập, vui chơi trong ngày…. những đứa trẻ phải chịu áp lực về điểm số thường có xu hướng sống khép kín, thích ở một mình hơn là gia tăng các tương tác xã hội ngay cả với bố mẹ của mình. Theo các chuyên gia tâm lý, nếu bị ép buộc phải đạt được những kỳ vọng từ người lớn, trẻ sẽ cảm thấy xa cách, cho rằng bố mẹ không thấu hiểu mình và thứ bố mẹ cần chỉ là điểm số. Từ đó tình cảm gia đình dễ bị rạn nứt vì bố mẹ và con cái không còn thoải mái chia sẻ mọi điều với nhau.

3. Trẻ dần mất tự tin

Một đứa trẻ sẽ trở nên tự tin hơn nếu mọi người xung quanh luôn ủng hộ, khích lệ và động viên chúng trong mọi việc. Vì thế, nếu mẹ chỉ chăm chăm vào việc áp đặt điểm số lên con, trẻ sẽ rất dễ bị mất tự tin do cảm thấy mình bị thua kém, ké tài giỏi so với bạn bè. Không những thế, điều này còn có thể là nguyên nhân khiến trẻ hình thành nhiều tính xấu như ích kỷ, ghen ghét các bạn khác nếu được điểm số cao hơn mình hoặc gian dối với bố mẹ nếu điểm số không như mong muốn.

4. Hình thành tâm lý chống đối

Ép học không tạo nên hứng thú cho trẻ trong việc tìm tòi, khám phá những kiến thức mới. Thay vào đó, con dễ trở nên chán nản và muốn chống đối nhiều hơn. Học tập là một quá trình khám phá, tiếp thu nhiều kiến thức mới lạ và hữu ích. Vì thế, mẹ đừng quá quan trọng điểm số mà khiến con trở nên chán nản. Thay vì ép buộc con luôn phải đạt điểm 10, mẹ hãy tôn trọng sở thích và giúp con phát huy những điểm mạnh, đồng thời khắc phục những điểm còn chưa tốt.

Mẹ có thể thường xuyên đồng hành cùng con trong mỗi giờ học, tạo điều kiện cho trẻ học hỏi bằng cách dẫn con đi mua những cuốn sách mới, đăng ký lớp học ngoại khóa con yêu thích, thoải mái tâm sự với con về những khó khăn trẻ đang gặp phải, luôn động viên, ủng hộ con trong mọi quyết định… để trẻ có thêm hứng thú và tích cực khám phá, học hỏi nhiều hơn.

Leave a Comment