Con rơi vào trầm cảm tuổi mới lớn, 3 điều bố mẹ tuyệt đối đừng làm kẻo “đổ thêm dầu vào lửa”

todattn

Updated on:

Bất cứ khi nào đề cập đến trầm cảm tuổi niên thiếu, hình ảnh những đứa trẻ không chút tình yêu cuộc sống lại hiện lên trong tâm trí chúng ta như nốt lặng buồn giữa dòng đời vồ vập.

Người lớn thường cho rằng trầm cảm chủ yếu chỉ xuất hiện ở những người trưởng thành. Nguyên nhân là do áp lực cuộc sống, công việc, tình cảm… Nhưng những con số biết nói dưới đây sẽ hé lộ một sự thật gây sốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, sau bệnh tim mạch, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ trầm cảm đang có xu hướng gia tăng.

Thông tin theo PGS, TS Đặng Hoàng Minh, Trung tâm Thông tin hướng nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng tâm lý (Đại học Quốc gia Hà Nội), tính đến nay, Việt Nam hiện có khoảng 2.000.000 trẻ trong độ tuổi vị thành niên cần trị liệu tâm lý.

Một nghiên cứu khác của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho thấy có khoảng 8% – 29% trẻ em Việt Nam ở tuổi vị thành niên mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần.

Còn dựa trên các nghiên cứu khác trong nước, ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Đáng nói, trong số này chỉ khoảng 20% các em nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Khi đọc thấy những con số này, hẳn nhiều cha mẹ nghi ngờ và tự hỏi điều gì đang diễn ra với thế hệ trẻ?

So với thời ăn no mặc ấm của thế hệ trước, thế hệ trẻ ngày này được cung phụng một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn nhiều. Thế nhưng ngoài hào nhoáng nhung lụa ấm êm, bên trong các em lại là những tâm hồn mỏng manh, dễ tổn thương. Xét về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, có các yếu tố nguy cơ đáng quan ngại như: cô lập cảm xúc, thời gian dùng mạng xã hội và internet quá nhiều, các vấn đề gia đình, kỳ vọng cao từ phía cha mẹ, áp lực học hành, bị bắt nạt, sống xa nhà…

Tại sao trẻ em dễ bị trầm cảm?

Trong trí nhớ và trí hiểu của chúng ta, trẻ em luôn hoạt bát, dễ thương, vô tư và dường như không có lý do gì để bệnh trầm cảm đụng đến được các em. Nhưng trên thực tế, nhiều trẻ không trực tiếp bộc lộ cảm xúc của mình. Một số bộc lộ nhu cầu được giúp đỡ thông qua các hành vi như tức giận, hưng cảm, bồn chồn, cáu kỉnh,… Nhưng cho dù là vậy, rất ít bố mẹ giải thích được nguyên nhân đằng sau hành vi tưởng nổi loạn này của trẻ. Thế nên, nhu cầu hỗ trợ đã bị bỏ qua. Lâu dần những cảm xúc này sẽ dồn nén trong lòng ngày một nhiều mà không cách nào tìm được lối thoát.

Freud từng nói về viễn cảnh tương tự như sau: Những cảm xúc không được thể hiện sẽ không bao giờ chết. Chúng chỉ bị chôn sống và sẽ xuất hiện theo những cách thậm chí còn xấu hơn trong tương lai. Mọi đứa trẻ không được đối xử tốt trong gia đình của mình sẽ phơi bày bản thân trước sự lựa chọn của mình về hôn nhân và tình yêu. Đó là mặt thật nhất của thế giới”.

Đã đến lúc đối mặt với những đứa trẻ chán nản, cha mẹ không được phép mắc phải những sai lầm không thể sửa chữa. Hãy nhớ, những trẻ trầm cảm thường tự ti, mặc cảm, luôn tự trách bản thân, nghị lực yếu kém, mất niềm tin vào cuộc sống, không còn hy vọng và cuối cùng rất dễ có hành vi tự làm hại bản thân. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải trở thành người đồng hành cùng con, hỗ trợ thế giới mong manh của trẻ. Thay vì cấm cản hay than vãn, cha mẹ hãy thử làm những điều này để tránh cảnh đổ thêm dầu vào lửa.

1. Buộc một đứa trẻ chán nản làm những gì nó không muốn

Đây là chân dung một đứa trẻ trầm cảm: Giá trị bản thân bị hạ thấp, thiếu nghị lực, không đủ khả năng tự nâng đỡ mình. Nếu thấy con có những dấu hiệu này mà cha mẹ càng ép trẻ làm những việc trẻ không muốn như thi đạt điểm cao, học tập đứng nhất lớp, tập thể dục rèn luyện cơ thể… thì trẻ sẽ càng trở nên yếu kém hơn và không thể đạt được điều mà cha mẹ mong muốn. Trách nhiệm gia tăng chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm ở trẻ. Do đó, cha mẹ đừng cố buộc một đứa trẻ đang chán nản làm những gì mà trẻ không thích, không muốn.

2. Dùng tình yêu thương của cha mẹ để ép buộc con cái

“Con làm thế này, con có biết thương cha mẹ không? Con phải nghĩ đến tương lai của con chứ”. Đây chính xác là câu cửa miệng mà nhiều bậc cha mẹ thường sa sả vào mặt con với hy vọng đánh thức tinh thần chiến đấu của trẻ, nhân danh tình yêu thương. Nhưng điều đó không đúng với những đứa trẻ trầm cảm đâu bố mẹ ạ. Mặc dù nó hợp lý, nhưng tạm thời những lời lẽ như vậy đã mất khả năng thuyết phục.

Cha mẹ đe dọa con cái theo cách này sẽ chỉ làm tăng thêm cảm giác tội lỗi ở những đứa trẻ bị trầm cảm. Cảm giác tội lỗi rất khủng hoảng với trẻ, khiến chúng cảm thấy mình vô dụng hơn, thậm chí chỉ muốn giải thoát.

3. Không quan tâm đến thuốc

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng con hết trầm cảm thì thôi không cần quan tâm đến đơn thuốc của bác sĩ nữa. Nhưng sự thật thì tỷ lệ tái phát của bệnh trầm cảm rất cao và phần lớn bệnh trầm cảm của trẻ vị thành niên đều xuất phát từ môi trường gia đình và phương pháp giáo dục của cha mẹ. Khi ngoại cảnh không cải thiện thì việc tái phát là đương nhiên.

Thực tế, nhiều trẻ từ chối gặp bác sĩ hoặc từ chối uống thuốc. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải học cách đồng hành cùng con, truyền cho trẻ năng lượng tích cực, thiết lập giao tiếp trái tim với trẻ và giúp trẻ giải quyết cảm xúc tiêu cực.

Làm thế nào để giúp trẻ thoát khỏi trầm cảm?

Đối với một đứa trẻ bị trầm cảm, chúng vô cùng mỏng manh và sức phản kháng yếu. Các bé rất cần được tiếp thêm năng lượng từ thế giới bên ngoài và không ai khác, cha mẹ là bến đỗ ấm áp nhất cho trẻ. Vì vậy thái độ chấp nhận và thấu hiểu của cha mẹ được xem là liều thuốc tốt nhất đối với trẻ.

Là cha mẹ, chúng ta phải cho phép trẻ tìm cách được công nhận và khẳng định đầy đủ bản thân mình. Có như vậy trẻ mới dần hình thành bản sắc, thấy được giá trị của bản thân. Đồng thời, để giúp trẻ thoát khỏi trầm cảm, cha mẹ phải hướng trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, giúp trẻ nhận thức và đánh thức nội lực của bản thân.

Tóm lại, cách tốt nhất để dẫn trẻ ra khỏi bóng tối là cha mẹ hãy trở thành một tia sáng trong bóng tối!

Leave a Comment