Trước năm 11 tuổi, có 6 quy tắc cha mẹ phải dạy con để trẻ nên người tử tế, đến đâu cũng được chào đón

todattn

Hành vi của trẻ thực sự là do cha mẹ dạy dỗ. Những đứa trẻ có giáo dục luôn nhận được sự yêu quý của những người xung quanh.

Đặt ra một số quy tắc cho trẻ có thể dạy trẻ trở thành một người ngay thẳng và thân thiện, thay vì trở thành một đứa trẻ kẻ cười người chê. Nếu mẹ có thể đặt ra 6 quy tắc cho con trước 11 tuổi, mẹ có thể giúp con ngày càng tốt hơn. Những quy tắc đó bao gồm:

1. Chào hỏi mọi người

Hãy chủ động chào hỏi mọi người và nói “cảm ơn” khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác… Những phép lịch sự cơ bản này là điều cha mẹ nên dạy con từ khi chúng còn nhỏ. Nhiều bạn trẻ ngày ngày đến công ty nhưng mặt nặng như chì, chưa từng chào hỏi ai, cũng khiến người ta khó mà có thiện cảm.

Điều cần lưu ý là không nên ép trẻ phải chào, cha mẹ nên thể hiện nhiều hơn bằng cách làm gương và chào người khác trước mặt trẻ thì trẻ sẽ học theo một cách tự nhiên.

2. Không làm ồn khi ra ngoài

Ở rạp chiếu phim, quán cà phê, sợ nhất là bắt gặp những đứa trẻ gây ồn ào, chạy lăng xăng. Điều đáng sợ hơn nữa là các bậc phụ huynh vẫn có thái độ không quan tâm và cho rằng “Trẻ con mà”. Nhưng với tư cách là cha mẹ, điều chúng ta phải làm là hạn chế phần nào tính xấu của trẻ, và hãy đặt ra quy tắc “Nói chuyện nơi công cộng và không để người thứ ba nghe thấy” cho trẻ, để trẻ có thể tránh được những hành vi bị cho là vô học.

3. Con có thể có những bí mật nhỏ của riêng mình, nhưng khi không giải quyết được, nhất định phải nói cho bố mẹ biết

Con cái cũng có thể có quyền riêng tư của mình, cha mẹ nên hiểu và tôn trọng chúng, không nên tùy tiện lật tung đồ đạc của trẻ. Những quy tắc cho con trước 11 tuổi cũng bao gồm việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Hãy nói với con rằng: Nếu con gặp chuyện không hay, chẳng hạn như con bị bắt nạt thì con phải nói với cha mẹ. Nếu con không tự giải quyết được thì cha mẹ sẽ luôn đứng về phía con.

4. Không tùy tiện lấy đồ ở nhà người khác

Đây cũng là phép lịch sự cơ bản nhất nhưng ít bố mẹ dạy cho con cái. Cũng bởi người Việt Nam chúng ta thường cả nể và hiếu khách. Trẻ nhỏ vào nhà mình thuận tay lấy cái gì cũng cười xòa bảo: Lấy đi, có bao nhiêu đâu, cứ để cháu nó lấy…

Ngay cả khi trẻ rất thích một món đồ nào đó trong nhà người khác, hãy nói với con rằng “Nhớ trả lại khi con đi về”. Nhiều người cũng ngộ lắm các mẹ, coi việc con mình thích cái gì thì người ta phải cho cho mình là chuyện đương nhiên luôn á. Như hôm trước con em đi khám bệnh có cầm trái banh nhỏ nhỏ trên tay, cũng rẻ tiền thôi nhưng vì là thứ được cô giáo tặng khi được hoa bé ngoan nên cu cậu quý lắm. Thế mà có đứa nhỏ khóc ré lên đòi, em thì cũng im chả nói gì, đồ của con thì con quyết định. Và em cũng hay nói với con là nên nhường nhịn các em nhỏ. Bà nội hay bà ngoại của đứa trẻ kia cứ vừa dỗ dành vừa bảo “Nín đi rồi anh cho mà”, nhìn con em chằm chằm. Cuối cùng con em nó cũng chẳng cho mà đi chỗ khác, bé kia khóc ầm lên thì bà lại nhìn mình như kiểu mình không biết dạy con ấy các mẹ.

5. Đừng chỉ chăm chăm nhìn vào khuyết điểm của người khác

Khi con nói xấu bạn bè, mẹ có thể kiên nhẫn lắng nghe, sau đó hỏi “Con có để ý xem bạn có ưu điểm gì không?” Để hướng dẫn con khám phá sự xuất sắc của người khác thay vì chỉ nói xấu sau lưng người khác, rất cần sự gợi mở và thái độ sống tích cực của cha mẹ.

6. Phải xin lỗi khi làm sai, nếu người khác xúc phạm mình thì con có quyền yêu cầu họ xin lỗi

Nói với con rằng: Con phải xin lỗi người khác khi làm điều gì sai, và nếu người khác làm điều gì khiến con tổn thương, con cũng phải yêu cầu họ xin lội mình. Hãy học cách đấu tranh cho quyền lợi của chính mình.

Trên đây là 6 quy tắc phải dạy con trước 11 tuổi, để trẻ có thể thuận lợi trưởng thành, được mọi người yêu quý nhưng vẫn giữ chính kiến của mình.

Leave a Comment