Thay vì hỏi về điểm số một cách “mù quáng”, có 3 điều cha mẹ nên làm khi con thi xong

todattn

Updated on:

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ lấy lại niềm tin trong học tập, thay vì hỏi về điểm số một cách mù quáng.

Sau khi kỳ thi kết thúc, điều mà các bậc phụ huynh quan tâm nhất là con em mình làm bài được không. Con vừa bước ra tới cổng trường cha mẹ đã ào tới hỏi con làm bài thế nào, nếu con làm tốt, sẽ rất vui vẻ, nếu con không làm được, câu hỏi này sẽ thành áp lực khiến con thấy tồi tệ hơn.

Vì làm bài không đạt yêu cầu, trẻ sẽ cảm thấy buồn bực, bất lực và có tâm lý chán nản. Vì vậy, là cha mẹ, trong giai đoạn nhạy cảm khi con vừa mới thi xong nên quan tâm nhiều hơn đến những thay đổi cảm xúc của con thay vì hỏi kết quả một cách mù quáng.

1. Cha mẹ cố gắng không thể hiện cảm xúc tiêu cực

Thực tế cha mẹ không cần hỏi con làm bài được không cũng có thể biết được kết quả thông qua cảm xúc, biểu hiện gương mặt của con khi bước ra khỏi phòng thi. Với trẻ vui vẻ, kết quả sẽ có phần lạc quan hoặc con sẽ dễ dàng chia sẻ kết quả với cha mẹ.

Với những trẻ có gương mặt mệt mỏi, buồn bã, cha mẹ nên tinh tế hơn, đừng dồn ép, đốc thúc con kể về bài thi của mình, sẽ khiến con áp lực hơn. Dù con không làm được bài, cha mẹ cũng nên cố gắng giữ cảm xúc bình tĩnh, đừng tức giận, phàn nàn con ngay cổng trường, không chỉ khiến con tổn thương mà con còn bị xấu hổ với bạn bè.

Nếu cha mẹ cư xử quá tiêu cực, hay thở dài thì sẽ gây ra gánh nặng tâm lý cho con cái. Cha mẹ nên là người khuyến khích trẻ và giúp trẻ thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực, để con có tinh thần thi tiếp những môn học khác hoặc cố gắng hơn trong học kỳ sau.

2. An ủi con

Nếu con làm bài không tốt, việc cha mẹ nên làm sau khi con thi xong là an ủi con, giúp con trút bỏ cảm xúc tiêu cực chứ không phải trút giận lên con. Việc có cảm xúc tiêu cực là điều bình thường, nhưng nếu cảm xúc tiêu cực tồn tại trong thời gian dài thì cần sự giúp đỡ của cha mẹ.

Ôm trẻ hoặc nhẹ nhàng xoa đầu của trẻ để an ủi và chăm sóc trẻ, để trẻ cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ.  Khi tâm trạng của trẻ dịu xuống một chút, cha mẹ có thể chuyển hướng sự chú ý của trẻ một cách hợp lý, đưa trẻ đến công viên giải trí, hoặc cùng trẻ xem một bộ phim thú vị, giải tỏa áp lực căng thẳng sau khi học và thi.

3. Khuyến khích trẻ cố gắng học tập

Dù con làm bài tốt hay không tốt trong kỳ thi thì việc khuyến khích con tiếp tục cố gắng học tập cho những học kỳ sau, lớp sau là vô cùng cần thiết. Cha mẹ cần động viên con kịp thời, có thể cho con một chuyến đi chơi để thư giãn, tạo động lực để con thoải mái học tiếp.

Từ kỳ thi, cha mẹ có thể giúp con rút ra nguyên nhân khiến con làm bài chưa tốt, chỗ nào con còn gặp khó khăn khi làm bài, tâm lý con khi làm bài có ổn định không. Từ đó cha mẹ có thể giúp con học và thi tốt hơn ở những kỳ thi sau.

Tóm lại, sau khi kết thúc thi cuối kỳ, các bậc phụ huynh không nên mù quáng quá quan tâm xem con em mình thi như thế nào, kết quả ra sao mà nên học cách quan sát cảm xúc của con em mình.

Sử dụng các phương pháp thích hợp để khuyến khích trẻ học tập nên là mối quan tâm lớn nhất. Cha mẹ cũng nên hiểu rằng điểm số chỉ là tạm thời, nếu cha mẹ la mắng con cái vì điểm số nhất thời của chúng, chúng sẽ bị mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực và mất tự tin trong học tập. Vì vậy, việc cha mẹ làm sau khi con thi xong là động viên con, bất kể điểm tốt hay xấu.

Leave a Comment