2 kiểu “hiểu chuyện sớm” của trẻ ẩn chứa nỗi buồn tuổi thơ, cha mẹ đừng bỏ mặc con

todattn

Updated on:

Đằng sau một đứa trẻ hiểu chuyện có thể ẩn chứa những cảm xúc buồn bã của con, cần cha mẹ an ủi, hiểu cho con.

Cuộc sống không thiếu những bậc cha mẹ thích khoe khoang rằng con mình là người hiểu chuyện, khôn khéo từ bé. Nhưng ít người chú ý đến cảm xúc thực sự của đứa trẻ vì một đứa trẻ ngoan quá mức so với độ tuổi thực sự không được ổn cho lắm. Theo đó có 2 kiểu con hiểu chuyện đằng sau lại ẩn chứa nỗi buồn, cha mẹ cần nhanh nhận ra để trả lại tuổi thơ cho con.

Đứa trẻ ngoan biết nấu ăn và tự đi học

Một giáo viên cấp 2 đã kể chuyện về đứa con gái lớn 6 tuổi của mình. Chồng cô lái xe cho nhà máy và cô thì đi dạy, bận rộn hầu hết các ngày trong tuần. Đứa nhỏ đã học được cách đi đến trường và tự về nhà, còn học được cách tự nấu cơm, xào rau.

Cô thực sự thấy tự hào vì con hiểu chuyện sớm, còn biết phụ cha mẹ một tay. Trong khi những đứa trẻ khác vẫn không biết nấu ăn cho đến lúc lớn, cần cha mẹ đưa đón sau giờ học thì con gái cô mới 6 tuổi đã có thể tự mình làm mọi thứ.

Nhưng nghe kỹ lại, rõ ràng cha mẹ chỉ biết tự hào nhưng chưa nghĩ đủ cho con. Vì sao một đứa trẻ mới 6 tuổi mà phải tự nấu cơm, tự đi học thậm chí đến tiệm xe quét dọn phụ cho cha, trong khi những đứa trẻ khác được cha mẹ lo lắng, chăm sóc và tận hưởng tuổi thơ của mình?

Do hoàn cảnh thì phải chấp nhận chuyện con phải phụ giúp cha mẹ sớm, nhưng đừng quá tự hào mà phải thương con hơn, cố gắng tạo điều kiện hơn để con cũng được nhận những điều bình thường như con nhà người ta.

2 kiểu trẻ con “hiểu chuyện sớm”

1. Chỉ nói những câu mà cha mẹ muốn nghe

Những đứa trẻ này thường có biểu hiện khôn khéo trong lời nói, là một đứa trẻ ngoan điểm 10 trong mắt cha mẹ. Mỗi lần con trả lời cha mẹ đều khiến cha mẹ vui vẻ, hài lòng, vì đơn giản con đang nói thứ mà cha mẹ muốn nghe. Thật ra có lúc chưa hẳn là lời con muốn nói.

Con sẽ không dám nói ra sự thật vì sợ cha mẹ tức giận, không thương mình nữa. Lâu dần con sẽ mất đi suy nghĩ và phán đoán của chính mình, rụt rè nhút nhát không dám nêu lên ý kiến, chỉ có thể sống mệt mỏi theo ý của người khác, lấy lòng người khác.

2. Rất giỏi nhìn thái độ của người lớn mà hành động

Thay vì thể hiện mọi cảm xúc trong lòng mình, con lại chọn cách nương theo cảm xúc người lớn, vì con sợ cha mẹ tức giận, sợ bị phạt, sợ không được thương, sợ bị bỏ rơi. Những đứa trẻ này ngay từ nhỏ đã nhìn sắc mặt cha mẹ mà chọn cách cư xử phù hợp, hạn chế thấp nhất việc khiến cha mẹ phiền lòng. Lớn lên theo thói quen sẽ cũng luôn nhìn sắc mặt người khác mà sống, thực sự mệt mỏi.

Thiệt thòi của những đứa trẻ hiểu chuyện quá sớm

1. Tự ti

Trẻ luôn cảm thấy mình không đủ tốt, thiếu sót nên phải cố gắng lấy lòng, cư xử tốt để nhận được khen ngợi, yêu thương, dần dần sinh tâm lý tự ti, sợ sệt, phụ thuộc.

2. Kìm nén cảm xúc, tự tổn thương mình

Bởi vì đã phải sống theo sắc mặt người khác từ nhỏ, cố gắng ngoan ngoãn, hiểu chuyện nên trẻ không thể tùy ý thể hiện những cảm xúc. Con luôn cố trưng ra vẻ mặt đáng yêu, ngoan ngoãn mà mọi người đều thích. Những cảm xúc tiêu cực của con không được thể hiện ra ngoài sẽ dẫn đến những tâm lý bất ổn, trầm cảm.

3. Không biết cách từ chối những thứ mình không thích

Những đứa trẻ hiểu chuyện quá sớm thường luôn cố gắng làm hài lòng người khác. Do đó, con khó có thể từ chối những lời đề nghị, yêu cầu từ cha mẹ, bạn bè mặc dù bản thân không thích, không tự nguyện. Con sợ bị ghét bỏ, bị giận hờn nên dù bản thân khó chịu và thiệt thòi thì vẫn chấp nhận những yêu cầu đôi khi vô lý từ người khác.

Leave a Comment